Sa Pa: Great Mix of Son Cuoc Region
Sa Pa là một thị trấn nhỏ miền núi thuộc tỉnh Lào Cai nằm cách Hà Nội khoảng 350km về phía Tây Bắc, sát biên giới với Trung Quốc. Đây là nơi bạn sẽ tìm thấy dãy núi Hoàng Liên Sơn và cả đỉnh Fansipan cao nhất của đất nước.
Thị trấn yên tĩnh nằm lọt thỏm giữa các dãy núi là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc khác nhau. Có năm dân tộc chính ở Sa Pa: người H’Mông, Dao, Tày, Giáy và Xã Phó. Người ta nói rằng, những người dân đầu tiên sinh sống tại Sa Pa chính là bà con dân tộc thiểu số, sau đấy người Kinh mới từ các vùng thấp hơn di chuyển lên thị trấn này. Ngày nay, nhờ vào vẻ đẹp mượt mà của thiên nhiên và văn hóa dân tộc thiểu số nên Sa Pa thu hút đông du khách ghé thăm.
LỊCH SỬ LÂU ĐỜI CỦA SA PA
Dấu tích sinh sống của những người đầu tiên tại Sa Pa được lưu giữ trên bãi đá cổ từ thế kỉ XV. Hàng trăm bức tranh khắc họa trên đá được các chuyên gia cho rằng, người xưa đã vẽ chúng và miêu tả về các sinh hoạt văn hóa dân gian.
Trong các dân tộc thiểu số thì người H’mong và người Dao sinh sống đầu tiên ở Sa Pa. Các thung lũng ở Sa Pa rất hẻo lánh, hoang vu nên thị trấn này đã chẳng hề xuất hiện trên bất kì bản đồ địa lý nào cho tới khi người Pháp đến đây vào cuối những năm 1880. Khi đó, thị trấn này được người Pháp gọi là “Chapa”, rồi chẳng mấy chốc lực lượng quân đội và các nhà truyền giáo người Pháp cũng kéo đến nơi đây. Từ năm 1891 trở đi, toàn bộ khu vực thị trấn Sa Pa được cai trị bởi thực dân Pháp. Trong những thập kỷ sau đó, thường dân Pháp đã tới Sa Pa để sinh sống và làm việc, từ đây đã làm thay đổi diện mạo của mảnh đất này. Trong những cuộc chiến xảy ra tại Sa Pa, đa phần các tòa nhà lớn và công trình người Pháp xây dựng đều đã bị phá hủy. Mãi đến 1960, khi người Kinh được nhà nước khuyến khích di chuyển lên Sa Pa sinh sống và dần dần, từ năm 1993, cảnh đẹp và bầu không khí trong lành của thị trấn được đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.
SA PA LÀ NƠI TA ĐẮM SAY
Sa Pa không lộng lẫy phồn thịnh, Sa Pa níu chân tôi bằng những con đường dài uốn lượn trên triền dốc. Những mái nhà tranh, cảnh ngôi làng nhỏ thấp thoáng trong thung lũng mờ sương làm lòng tôi chao đảo. Tôi yêu một Sa Pa bình dị của núi rừng, yêu văn hóa thiểu số làm cho dân tộc mình thêm phần rực rỡ. Đến với Sa Pa là trải nghiệm khác lạ với ngay chính khách du lịch Việt Nam vậy. Người dân tộc thiểu số đã hình thành nên bản sắc độc đáo trong di sản và văn hóa nơi đây. Chính vì vậy, Sa Pa không giống bất kỳ nơi du lịch nào trong cả nước, nó mang riêng mình một nét đẹp để hấp dẫn người ghé qua.
Chẳng hạn tại chợ Sa Pa, mọi người sẽ gặp những người dân địa phương từ các bộ tộc khác nhau. Họ mặc quần áo truyền thống và bán đồ thủ công do chính tay mình sản xuất. Thỉnh thoảng, bạn còn có thể chứng kiến một đám cưới hay lễ kỷ niệm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương nữa. Bình thường, nếu như nghe nói về dân tộc Dao Trắng, bạn có thoáng nghĩ về những người dân có làn da trắng không? Ban đầu tôi đã nghĩ như vậy, nhưng sự thật vì văn hóa yêu thích màu trắng và quần áo truyền thống của họ cũng là màu trắng thôi. Tên gọi Dao Trắng được đặt ra để phân biệt với nhánh dân dộc Dao khác.
Tới Sa Pa, chắc hẳn ai cũng sẽ đi qua cung đường chính của thị trấn để đến với thung lũng Mường Hoa. Nhìn từ trên cao, tôi thấy suối Hoa chẻ ngang qua thung lũng, chạy dài tạo điểm nhấn khiến Mường Hoa nhìn từ xa như một bức tranh vẽ. Khung cảnh đồng lúa mênh mông, ngôi nhà gỗ màu nâu đen chấm phá trên nền lúa xanh vừa thơ mộng vừa xen lẫn một chút đơn côi. Cung đường đi qua những ngôi làng nhỏ nằm giữa thung lũng ấy, đồng lúa yếu ớt nhưng dìu nhau cắt vào sườn núi hiểm trở. Trời trở lạnh, dù đã quá trưa sương mỏng vẫn lãng đãng khắp triền đồi, tôi chìm trong cảm giác thơ mộng và đắm say. Nếu bạn yêu thích treckking thì đây quả là một nơi hoàn hảo để khám phá.
(Nguồn: https://wanderlusttips.com/sa-pa-ban-phoi-tuyet-voi-mien-son-cuoc/)